Việc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết hằng năm là kêu gọi các cá nhân, con em đang sinh sống, đang công tác, làm ăn ở ngoài địa phương, các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, hướng về đã khiến ngày hội trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội rộng rãi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Thông qua tổ chức ngày hội, các phong trào, các cuộc vận động được triển khai thực hiện hiệu quả hơn, thực chất hơn.
Trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng, tổ dân phố văn hóa” ngày càng được nâng lên. Qua ngày hội, mỗi người dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của địa phương, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết; tình làng, nghĩa xóm được nhân lên.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hóa, có ý nghĩa trong đời sống của khu dân cư vì đây không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu, đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” mà còn là diễn đàn, đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, tập hợp và phát huy sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, đoàn kết cùng nhau xây dựng khu dân cư ngày càng ấm no, hạnh phúc.